23-08-2020
Mèo vốn là loài vật rất sạch sẽ và chúng rất để ý đến nơi vệ sinh của mình. Nếu như nơi đi vệ sinh của chúng (thường là những chậu cát) không phù hợp hoặc không được dọn dẹp sạch sẽ thì chúng sẽ từ chối đi vệ sinh vào đó mà sẽ lên nơi mà chúng cảm thấy thích hơn, ví dụ như giường của chủ. Cùng tìm hiểu thêm nhé.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cát vệ sinh như cát thủy tinh silicat, cát đất sét, cát gỗ, đậu nành, cát không vón….
Nhiều chú mèo đã quen với 1 loại cát vệ sinh nhất định và có thể sẽ phản ứng lại với sự thay đổi cát bằng cách từ chối sử dụng.
Hiện tại có 3 loại có vón cục đó là cát đất sét, cát gỗ loại vón cục và cát đậu nành.
Phần vón cục được tạo thành khi nước tiểu tiếp xúc với cát và chúng ta có thể loại bỏ được chúng bằng xẻng xúc cát chuyên dụng. Phân mèo thì không vón cục nhưng vốn là khô nên chúng ta có thể dễ dàng dọn dẹp hang ngày, Phần còn lại không dính nước tiểu sẽ tiếp tục được sử dụng, tuy nhiên nhiều khi không thể dọn được hết 100% và dọn nhanh nên phần còn lại vẫn sẽ bị dính 1 chút chất thải, bết đáy. Vì thế bạn cần phải thay và cọ rửa cả chậu cát khi nhận thấy phần cát còn lại không còn vệ sinh và chậu cũng đã bết đáy lâu ngày nhé.
Loại cát không vón cục là cát thủy tinh silicat hoặc cát gỗ loại không vón.
Đối với cát thủy tinh thì nước tiểu sẽ ngấm vào cát. Dọn dẹp phân mèo hang ngày còn phần nước tiểu thì sẽ đổ cả chậu khi thấy nước tiểu đã ngấm vào quá nhiều và cần phải thay cát mới. Loại này không phải dọn nước tiểu hang ngày nhưng sẽ nhìn thấy cát đổi màu theo màu nước tiểu -.-
Lưu ý là không nên sử dụng các loại cát cho mèo con chưa ý thức được việc vệ sinh vì nếu mèo con ăn phải cát có thể dẫn đến việc tắc nghẽn trong dạ dày, đe dọa tính mạng!
Biết khi nào cần thay chậu vệ sinh là rất quan trọng nếu như không muốn mèo đi bậy vào khắp nơi trong nhà. Mèo bình thường sẽ đi ngoài khoảng 1-2 lần một ngày, đi tiểu khoảng 4-5 lần một ngày. Nếu sử dụng cát vệ sinh, bạn nên dùng xẻng loại bỏ phân và nước tiểu ít nhất một lần mỗi ngày - nếu không sẽ nhanh chóng có mùi khó chịu và mèo với khứu giác thính hơn người thì sẽ thấy khu vực vệ sinh vô cùng bốc mùi và bẩn thỉu.
Lưu ý: Nước tiểu vón cục thường dính chặt vào mép hoặc góc của khay vệ sinh. Ở những khu vực cần cậy này thì bạn nên khéo léo để cục không vỡ vụn ra quá nhiều sẽ xúc đi không hết, thành ra chậu cát vẫn có mùi khó chịu.
Khi dọn dẹp xong nhớ đổ cát mới vào ít nhất bằng ½ lượng cát bạn vừa dọn. Chậu ít cát quá mèo cũng không vui đâu ạ. Chiều cao lý tưởng của cát so với chậu là từ 7-10cm
Bạn nên thay hoàn toàn cát vệ sinh từ 2-4 tuần kèm với việc cọ rửa chậu để loại bỏ hoàn toàn chất thải vẫn bám dính. Nếu sử dụng cát không vón thì tối đa là 1 tuần phải thay toàn bộ chậu.
Tần suất bạn phải thay cát vệ sinh còn phụ thuộc số lượng nhà vệ sinh.Thường thì 1 nhà vệ sinh cho 1 mèo và nhiều mèo thì cần nhiều hơn thế . Có một số mèo hoàn toàn hài lòng với một nhà vệ sinh, những 1 vài đứa khác thì không chịu như thế, cần nhiều chậu hơn. Có những mèo có thói quen là sử dụng 1 chậu cát cho việc đi tiểu và 1 chậu cát cho việc đi nặng vì thế nếu thấy đi tiểu đúng chỗ còn đi nặng sai chỗ thì bạn có thể cân nhắc thêm 1 chậu cát nữa xem sao. Nếu mèo bị tiêu chảy hoặc viêm bàng quang , chúng ta cũng cần phải thay cát nhiều lần hơn bình thường.
Chậu vệ sinh không sạch có thể là 1 nguyên nhân nhưng đôi khi là do mèo nhà bạn có những vấn đề về sức khỏe hoặc căng thẳng. Cũng có thể là do cách xử lý chất thải của chúng ta không đúng cách hoặc chọn loại cát về sinh không như ý của chúng.
Ví dụ như khi bạn muốn sử dụng cát có mùi thơm như mùi phấn trẻ em, mèo của bạn có thể đơn giản thấy mùi hương này thật kinh khủng. Trong trường hợp này, tốt hơn là sử dụng các loại không mùi.
Những chú mèo có bàn chân nhạy cảm thường không thích cát thủy tinh silica vì hạt tương đối sắc nhọn. Ngoài ra, nó sột soạt khá lớn khi đào nên cũng khiến một số mèo sợ hãi không dám đi vệ sinh.
Có thể sử dụng miếng thảm đặt ngay dưới chậu cát để giữ lại cát ngay khi mèo bước ra hoặc đơn giản là sử dụng cát hạt to không dính chân như cát gỗ hoặc đậu nành là được.
Nguồn zooplus và kinh nghiệm của Kho