Các bệnh về lông và da ở mèo

08-10-2020

Ai nuôi mèo cũng đều rất thích vuốt ve bộ lông mềm mượt sang chảnh của chúng. Lông và da của mèo đều có chức năng bảo vệ quan trọng. Tuy nhiên rất nhiều mèo gặp vấn đề về da và lông mà nguyên nhân chủ yếu thường là do mất cân bằng trong quá trình trao đổi chất.

Da của mèo

Bạn có từng nghe qua rằng da là cơ quan lớn nhất của mèo không?

Da của mèo không chỉ là một cơ quan hàng rào quan trọng chống lại tình trạng mất nước trong cơ thể của mèo, chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh mà nó cũng giúp điều chỉnh nhiệt cơ thể và hoạt động như một cơ quan bài tiết chất nhờn, mồ hôi và nội tiết tố.

Da của mèo được tạo thành từ bốn lớp: Lớp da ngoài cùng, được gọi là biểu bì, thực hiện chức năng bảo vệ quan trọng chống lại các tác động bên ngoài. Nó chứa các tuyến bã nhờn và lông .Các đầu dây thần kinh và mạch máu nằm ở lớp hạ bì và lớp biểu bì. Các lớp da này đặc biệt quan trọng đối với nhận thức cảm giác của mèo. Mô dưới da lưu trữ chất béo.

 

Lông mèo

Nếu quan sát kỹ thì khi vạch lông của mèo ra bạn sẽ thấy lông mèo được chia ra thành 3 lớp là lớp lông bảo vệ dài bên ngoài, lông giữa ngắn hơn và lông tơ hay còn gọi là lông len. Lớp lông dài thường thô ráp hơn phần lông bảo vệ mềm mại bên trong. Các giống mèo lông dài và lông ngắn có thể khác nhau về độ dài của lông – nhưng chúng đều có tác dụng quan trọng: Bảo vệ cơ thể mèo khỏi sự dao động nhiệt độ nhờ tác dụng cách nhiệt. Ngoài ra, nó hoạt động như một rào cản chống lại các vết thương bề ngoài, chẳng hạn như do cành cây sắc nhọn gây ra khi đi lang thang trong bụi rậm hoặc vết cắn khi đánh nhau….

Rối loạn chuyển hóa da và lông

Da và lông là những cơ quan quan trọng nhưng thường thì không mấy khi được chú trọng. Các bệnh về lông và da ở mèo thường chỉ ra các bệnh tiềm ẩn hoặc suy dinh dưỡng, nhưng chúng cũng có thể là dấu hiệu của việc nhiễm rận, giun, ký sinh trùng hoặc vài bệnh khác. Chủ nuôi cần đặc biệt chú ý đến tình trạng rụng lông bất thường, gãi nhiều hoặc liếm nhiều, có gàu, vảy, có máu xuất hiện hoặc lông đột ngột xỉn màu, xơ xác. Ngoài ra những vết thương trên da thường không nhìn được rõ vì bị che phủ bởi lớp lông dày.

Nếu những thay đổi này xảy ra trong thời gian dài và ngoài thời kỳ thay lông vào mùa xuân và mùa thu, bạn nên theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân hoặc đến gặp bác sĩ thú y.

 

Các bệnh về lông và da ở mèo: chẩn đoán tại bác sĩ thú y

Bác sĩ thú y thường sẽ xem xét kỹ hơn bộ lông và da của mèo. Các triệu chứng quan sát được chỉ xảy ra ở một nơi hay chúng lan rộng ra toàn bộ cơ thể? Nếu nguyên nhân ngoài da không rõ ràng thì mèo cần làm xét nghiệm máu. Thiết hụt dinh dưỡng, vitamin hay kể cả bị nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng các bộ phần khác thì đều được phát hiện từ công thức máu. Bác sĩ thú y có thể kê đơn thuốc hoặc chất bổ sung cho mèo của bạn.

 

Lông xỉn màu, vảy và các vết thương hở có thể do:

  • Ký sinh trùng : Mèo có thể bị các ký sinh trùng bên ngoài như ve, rận lông hoặc bọ chét, nhưng ký sinh trùng như giun cũng có thể  ảnh hưởng đến da và lông của của chúng. Đối với mèo hay hoạt động ở ngoài trời, tiếp xúc với đất cát và nhiều mèo khác thì sẽ dễ bị bệnh về ký sinh trùng này hơn mèo được nuôi trong nhà.
  • Nấm da : Nấm da gây khó chịu cho mèo và 1 số loại cũng có thể lây sang người và các vật nuôi khác. Nếu mèo của bạn bị nhiễm nấm, bạn phải thường xuyên vệ sinh khu vực bị nấm cũng như theo dõi vệ sinh mèo sát sao hơn. Bác sĩ thú y cũng sẽ kê đơn thuốc chữa nấm để sử dụng bên ngoài hoặc bên trong.
  • Suy dinh dưỡng : Thức ăn cho mèo dạng hạt khô chứa mọi thứ tốt cho sức khỏe của mèo - ít nhất là trên lý thuyết. Tuy nhiên không phải mèo nào cũng giống mèo nào và còn phụ thuộc vào lứa tuổi mà cần dinh dưỡng khác nhau. Đặc biệt là mèo con , mèo già hoặc mèo mắc bệnh mãn tính thường cần nhiều chất dinh dưỡng hơn mèo khỏe mạnh khác. Nếu mèo không nhận đủ vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng qua thức ăn, chúng thường biểu hiện ở bộ lông xỉn màu hoặc có vảy gàu. Nếu mèo có bộ lông xỉn màu hoặc những biểu hiện bất thường khác, đây thường là sự thiếu hụt thiết yếu cần được nghĩ đến. Công thức máu có thể xác định rõ ràng các chất dinh dưỡng mà mèo của bạn cần và dựa vào đó để bổ sung thêm qua các loại gel dinh dưỡng, thức phẩm chức năng, thức ăn tươi hàng ngày.
  • Dị ứng : Thường thì bệnh này cũng ko nhiều mèo mắc lắm, chỉ là dị ứng với môi trường sống có chứa chất không phù hợp.
  • Thay lông : Thông thường mèo hay thay lông vào thời gian chuyển mùa. Thay lông cũ để có lớp lông mới dày đẹp hơn. Đây là điều hoàn toàn bình thường và không phải là bệnh, tuy nhiên nhiều con mèo có biểu hiện lông xỉn màu hoặc gãi đển rụng lông  một cách bất thường thì nên theo dõi thêm.Nếu thay lông bình thường, bạn cần hỗ trợ mèo trong việc chải lông để lấy bớt lông rụng, bổ sung thêm gel tiêu búi lông hoặc cỏ mèo để giúp giải quyết lông mèo đã liếm vào bụng.
  • Bệnh về thần kinh và căng thẳng: Nếu mèo liếm láp thường xuyên hơn, tự làm bị thương da khi liếm lông hoặc có biểu hiện bất thường khác thì căng thẳng hoặc bệnh tâm lý cũng có thể là nguyên nhân

 

Bổ sung chế độ ăn uống để hỗ trợ da và lông

Bạn có thể dựa vào quan sát bên ngoài để đánh giá được nguyên nhân khiến mèo có những tổn thương về da hay rụng lông.Bạn có thể sử dụng thêm phẩm chức năng để bổ sung thêm chất giúp thúc đẩy bộ lông sáng bóng và làn da khỏe mạnh. Nhiều sản phẩm có chứa men - hỗ trợ quá trình trao đổi chất của da - hoặc taurine. Taurine là một axit amin thiết yếu. Vì vậy, nó không thể được tạo ra bởi chính cơ thể mèo. Để đáp ứng nhu cầu taurine hàng ngày, mèo của bạn phải nhận được axit amin này từ thức ăn hoặc qua các loại tpcn chứa taurine. Sự thiếu hụt taurine đầu tiên thể hiện ở bộ lông xỉn màu, nhưng có thể dẫn đến rối loạn tim hoặc mù vĩnh viễn. Lượng taurine dư thừa sẽ được cơ thể bài tiết ra ngoài, vì vậy thực phẩm bổ sung có taurine thường vô hại nếu như phán đoán của bạn không chính xác mà cho ăn quá nhiều.